Trong khi kinh tế Việt Nam không tránh khỏi bị tổn thương bởi đại dịch Covid-19, so với các nước trong khu vực cũng như trên toàn thế giới, Việt Nam nằm trong nhóm số rất ít nước có tăng trưởng GDP dương trong năm 2021 với mức tăng trưởng 2,91% trong khi GDP toàn thế giới tăng trưởng âm 4%. Phục hồi kinh tế tại Việt Nam chính thức được ghi nhận vào Quý 3/2020. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, GDP 9 tháng đầu năm của Việt Nam ghi nhận mức 2,12% (Quý I tăng 3,68%; quý II tăng 0,39%; quý III tăng 2,62%), đây là mức tăng trưởng tích cực, đáng ghi nhận về sự nỗ lực của Đảng và Nhà nước cũng như của toàn thể các doanh nghiệp trong nền kinh tế trong bối cảnh Việt Nam không chỉ ảnh hưởng bởi đại dịch toàn cầu mà đây cũng là một năm kỷ lục về số cơn bão nhiệt đới tàn phá Việt Nam.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận một cách thực tế là tỷ lệ thất nghiệp cao hơn, lượng hàng tồn kho lưu thông trong nền kinh tế thấp hơn, tỷ lệ gửi tiết kiệm cao cũng như lòng tin người tiêu dùng bị xói mòn trong năm 2020 với những diễn biến tiêu cực của tình hình chung kinh tế thế giới. Mặc dù vậy, 2021 vẫn có thể là một năm diễn biến khả quan với tăng trưởng GDP thực khoảng 6,5% với thời điểm tăng tốc sẽ bắt đầu từ Quý 2/2021 cho đến hết 2022 với nhiều yếu tố tích cực sau đây.
Thứ nhất, Việt Nam ngày càng trở thành một trung tâm quan trọng của chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, hỗ trợ bởi một loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết giữa Việt Nam với những trung tâm kinh tế lớn của thế giới như CP-TPP, EVFTA, RCEP và gần đây nhất là UKVFTA. Trong Quý 4/2020, chỉ số tăng trưởng khu công nghiệp IIP đã tăng lên 6,3% so với cùng kỳ năm trước với mức tăng trưởng riêng trong tháng 12/2020 là 9,5% trong khi khu vực sản xuất ghi nhận mức tăng trưởng 9%. Đây là một dấu hiệu quan trọng đánh dấu sản xuất đã quay lại mức trước khi xảy ra giãn cách xã hội do đại dịch Covid.
Thứ hai, Chính phủ Việt Nam đã lựa chọn cách tiếp cận hỗ trợ và thúc đẩy nền kinh tế qua hình thức đầu tư công và cơ sở hạ tầng được cải thiện từ đầu tư công cũng làm cho nền kinh tế trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư FDI.
Thứ ba, Chính phủ ban hành một loạt quy định mới có hiệu lực từ năm 2021 giải quyết vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật đầu tư đối tác công tư… Đặc biệt, thời gian tới cũng được coi là thời kỳ của những doanh nghiệp nhà nước cuối cùng được cổ phần hóa.